Làm gì để cải thiện kỹ năng giao tiếp
- JobsGO
- Aug 29, 2019
- 3 min read
Giao tiếp là kỹ năng mà bạn có thể học hỏi và rèn luyện được. Nó cũng giống như khi bạn tập múa, tập đi xe. Chỉ cần bạn sẵn sàng bỏ thời gian và công sức vì nó, bạn có thể thành công.
1. Sử dụng Ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp (Body language)

Body Language ảnh hưởng người nghe tới 55%
Một nghiên cứu được đưa ra đã cho hay: lời nói được cấu tạo nên từ ba yếu tố. Đó là ngôn ngữ, ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu. Trong giao tiếp, về mức độ ảnh hưởng tới người khác, ngôn ngữ chỉ chiếm có 7%. Còn lại là giọng điệu (38%) và ngôn ngữ cơ thể chiếm tới 55%.
Body Language – ngôn ngữ cơ thể được thể hiện qua nét mặt, điệu bộ, cử chỉ trong quá trình giao tiếp. Mỗi một động tác đều có một hệ mã riêng. Ngôn ngữ cơ thể là thứ biết nói, nhưng không phải ai cũng “nghe” được nó.. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể là cách hay để cải thiện khả năng giao tiếp của bạn. Ngay cả khi bạn không nói gì, bạn vẫn đang “nói” theo một cách riêng. Ngôn ngữ cơ thể giúp bạn tự tin hơn và tăng tương tác với người đang giao tiếp cùng.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể như thế nào?
Hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể “phản chiếu”. Đó là việc bạn tạo ra những hành động giống với người mình đang nói chuyện cùng. Giả dụ trong buổi phỏng vấn tìm việc, nếu như nhà tuyển dụng hơi ngả người về phía sau, tay đan chéo, thì bạn cũng nên làm như vậy. Tuy nhiên, hãy làm theo một cách khéo léo, tránh để họ có cảm giác bạn đang bắt chước mình.
Ngoài ra, hãy cố gắng phân tích ngôn ngữ cơ thể của họ để có thể nắm được tâm trạng và ứng phó kịp thời. Nếu thấy một người đưa tay lên sờ cằm nghĩa là họ đang đánh giá, xem xét điều gì đó. Nếu thấy mắt họ chuyển động láo liên, con người hẹp – nghĩa là họ đang nói dối. Nếu đang nói chuyện mà thấy người kia hai tay chống xuống ghế, người đổ về đằng trước, chân lùi ra sau – nghĩa là họ muốn kết thúc cuộc trò chuyện… Dĩ nhiên, mỗi cá thể lại có một tính cách riêng biệt. Bạn không thể áp đặt và vơ đũa cả nắm. Hãy học cách quan sát và thực hành thành thạo.
2. Giọng điệu
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Bạn có biết chỉ với một câu nhưng bạn có thể diễn đạt với hàng chục ý nghĩa khác nhau. Và dĩ nhiên, chỉ bằng việc thay đổi giọng điệu. Giọng điệu lôi cuốn sẽ hấp dẫn người nghe vào cuộc trò chuyện. Giọng điệu còn thể hiện sự tự tin, thái độ, tình cảm của bạn với đối phương.
Hãy học cách phát âm rõ ràng
Chẳng ai có thể bị cuốn hút bởi một người nói ngọng hoặc nói chẳng rõ chữ. Hãy luyện đọc trước gương để sửa các lỗi phát âm cơ bản. Thường là N – L, D – R, X – S, Ch – Tr… Hãy ngưng thói quen phát âm vội vã vì như thế làm chữ không tròn. Việc đó gây khó khăn cho đối phương.
Nhấn nhá từ ngữ
Nhấn nhá từ ngữ sẽ khiến người nghe nắm được trọng tâm nội dung câu chuyện. Việc nhấn nhá còn tạo ra một sắc thái rất riêng. Những từ được nhấn sẽ thu hút sự chú ý gấp 3 lần so với bình thường.
Nên sử dụng âm vực thấp
Giọng nói trầm ấm – âm vực thấp là biểu thị cho sự đáng tin cậy. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các CEO nam thường có giọng trầm ấm. Âm vực của các CEO cứ giảm 1% thì giá trị công ty của họ tăng lên 30 triệu USD. Một giọng nói trầm được cho là mạnh mẽ, bình tĩnh. Âm vực thấp mang lại nguồn năng lượng tích cực cho giao tiếp.
Sử dụng âm lượng vừa phải
Bạn sẽ chẳng thể nào giao tiếp với ai nếu nói lí nhí chẳng ai nghe rõ. Bạn cũng chẳng thuyết phục ai nếu nói quá to, như “đánh” vào tai họ. Âm lượng thấp khiến đối phương dễ bị nhầm lẫn và hiểu sai ý bạn. Âm lượng cao lại khiến đối phương cảm giác như bị tra tấn. Một âm lượng vừa đủ, hơi dài sẽ khiến cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn.
Nguồn bài viết: https://jobsgo.vn/blog/lam-gi-de-cai-thien-kha-nang-giao-tiep/
Comments